Back to VNY2K Homepage TRANGNHÀ VNY2K

Sángtác

Mụclục


Một Chuyến Đi Về

Tácgiả: Nguyễn Phước Đáng

MỘT

Hai thằng con tiễn chân ông bà Đạt đến cuối hành-lang dài, tận gate 102.  Vĩnh, tay vịn lan-can, tay chỉ xuống phía dưới:

- Chút nữa ba má xuống cầu thang này là vào khu-vực cách-ly.  Tuy-nhiên, vô khu cách-ly rồi, mà ba má có cần trở lên uống cà-phê hay đi restroom, thì cứ thoải mái đi lên.  Chừng xuống cứ trình vé với người gác cầu thang là xuống... Bây giờ mình ngồi đây chơi, đợi gần tới giờ ba má hẳn xuống!...

- Thôi thôi.  Ba má xuống liền.  Tụi con về đi.  Đã gần 11 giờ rồi.  Về ngủ, mai còn đi làm.

Mãi đến 1 giờ máy bay mới cất cánh.  Còn những hai tiếng.  Từ dưới khu cách-ly, bà Đạt bày bọc chỉ len ra đan.  Ông Đạt nhìn lên quán cà-phê bên trên trang-hoàng những cây dù làm cảnh cho mỗi bàn, trông thật nên thơ.  Cậu bạn trai người Mỹ tóc hoe vàng cao lêu khêu kéo chiếc ghế sát lại cô bạn gái nhỏ nhắn tóc đen, người A¨-Châu.  Ông Đạt nghĩ, chắc cô gái là người Việt.  Đầu cô gái ngoẻo vào vai người tình.  Cảnh trước giờ chia tay, ôi đẹp làm sao!  Ông bà Đạt không còn ở cái tuổi đó nữa.

Ông nhìn khắp chung quanh.  Khách lần lượt xuống thang vào khu cách-ly.  Bây giờ bắt đầu không còn đủ ghế cho khách phi-hành.  Có người la lết ngồi xuống sàn gạch.  Nhìn đi đếm lại chỉ thấy có vài cặp mắt xanh, tóc hoe, còn toàn là mắt đen, đầu đen.  Chỉ có một ít người xí-xô-xí-xào tiếng Tàu, còn bao nhiêu, ông Đạt chỉ nghe tiếng quốc-văn giáo-khoa-thư Bắc, Trung, Nam của người Việt, trong đó có cả tiếng thù thì thủ thỉ của hai ông bà:

- Bà trông kìa!  Toàn là VN!  Những cặp già như tụi mình, rồi đám sồn sồn, rồi đám choai choai cỡ thằng Duy, thằng Đăng cháu nội mình.  Rồi bầy con nít chạy loanh quanh đùa giỡn vô-tư, inh ỏi... cỡ con Phượng, con Yến con của thằng Truyền nhà mình.

- Mùa hè mà ông!  Lại năm nay lê-óp tùm lum.  Lãnh tiền "phân-ưu" bù đắp của hãng, rồi tiếp theo những ngày tới, còn có tiền thất-nghiệp cả 6 tháng.  Bây giờ cứ về VN chơi một phát, rồi có ra sao ngày sau sẽ tính...

Đội tiếp-viên với trang-phục màu xanh lông két xinh đẹp nhộn nhịp đến.
Dáng dấp thanh-tú.
Vẽ mặt tiên-nga.
Phi-hành-đoàn với trang-phục bay uy-nghiêm cũng đến.
Lần lượt vào ống hành-lang.
Người người sẵn sàng.
Phi-cơ cất cánh.
Mọi cái trở thành mong manh.
Giữa bầu trời vô cùng vô-tận.
Trong vùng mây trắng bao-la.
Phía dưới, mặt biển một màu xanh biếc, minh-mông.

 

HAI

Một số đông tạt vào mấy tiệm bán hàng giá miễn thuế.  Hai ông bà Đạt bước vào "thảm thần". Bà đứng lại nghỉ chân, để mặc cái "thảm thần" cuốn đi từ từ.  Ông tiếp tục bước trên thảm hành-lang di-động, nên tốc-độ tiến lên gấp đôi so với người đi phía ngoài.  Ông đến phòng đợi trong tốp người đầu.  Ông ngồi một ghế và giữ cho bà một.  Mãi một lúc sau bà mới tới.  Hành-khách, sau khi an-vị trên những chiếc ghế dựa thoải mái đều có cử-chỉ gần giống nhau.  Họ đưa mắt quét một vòng khắp chung quanh, có vẻ tìm kiếm.  Họ tìm xem coi có ai quen biết với mình không, để mò đến nói chuyện đường xa.  Đôi mắt của một thiếu-phụ ngồi cách ông Đạt vài ghế bắt gặp đôi mắt ông.  Bốn mắt ngừng lại, cùng ánh lên một vẻ như nhau.  Họ bắt gặp cái gì đó quen quen, vẻ mặt quen quen, dáng dấp quen quen... Nhưng cả hai không biết rõ là ai đang trước mặt mình.  Thiếu-phụ với nét mặt thanh-tú, sau cùng bật lên tiếng hỏi, với nụ cười xoá sạch vẻ mệt nhọc sau hơn 13 giờ bay:

- Tôi nhìn anh thấy nét quen quen, nhưng chưa rõ ra là ai... À! Có phải anh là... là... anh ở báo Triều-Thành không?

Ông Đạt cúi xuống nhìn mũi giày, rồi ngẩng lên nhìn thẳng vào đôi mắt thiếu-phụ.  Mắt nàng đẹp, tóc nàng đẹp!

- Dạ, xin lỗi.  Không phải!  Tôi không phải là người của báo Triều-Thành.  Có lẽ người giống người!

Ông Đạt xoay nhìn chỗ khác.  Lúc đó bà Đạt đến.  Ông lấy về chiếc cập da, cho ghế trống để bà ngồi vào.  Thiếu-phụ quay qua nhìn bà Đạt, nhoẻn nụ cười thân-mật và tự tin:

- Thưa chị, anh có phải là người của báo Triều-Thành không chị?  Em là nhà thơ Ng.A. đây!  Chắc là anh muốn giấu...

Bà Đạt ngẩng nhìn lên.  Lúc này Ng.A đang đứng.  Bà nhè nhẹ lắc đầu:

- Không phải!

Bà trả lời thật.  Ông có làm báo làm biếc gì đâu.

Ông khách ngồi hàng ghế đối-diện, sau vài câu xã-giao làm quen với ông Đạt, quay qua hỏi thiếu-phụ:

- Cô nhà thơ, cô có biết thi-sĩ Vi-Khuê không?

- Có! Có!  Tôi có hình chụp chung với bà ấy đây!  Chốc nữa tôi đưa ông xem.

Nhà thơ quay qua bà Đạt:

- Chị đi mua thuốc hút hay rượu gì không?  Chị và em cùng đi nghe!  Em biết cái shop này bán giá rẻ... Anh có cùng đi với tụi này không?

- Dạ, xin lỗi, tôi ngồi đây.

Khi bà và nhà thơ Ng.A. trở lại, ông Đạt đứng dậy, rời chỗ ngồi.  Ông đi dạo loanh quanh những dãy phòng đợi của phi-trường Taipei.  Ông đã nhớ, đã biết nhà thơ này là ai rồi.  Những tập thơ của cô có in khá nhiều hình cô chụp với những thi-sĩ, và những nhà văn khác.  Cô là hội-viên của nhiều hội thi thơ ở vùng Bắc Cali.

Sau bốn tiếng chờ đợi, hành-khách lần lượt lên phi-cơ nối tiếp phi-trình từ Taipei đến Sài-Gòn.  Nhà thơ thiếu-phụ đã yên chỗ cạnh hành-lang hẹp trên phi-cơ.  Nhà thơ ngẩng lên nhìn, nhẹ gật đầu chào ông Đạt khi ông đi ngang qua.  Nhà thơ tin chắc mình đã nhìn lầm ông ta ra người của báo Triều-Thành, dù trong ánh mắt của thiếu-phụ vẫn còn vẻ mờ ớ thấy ông như là một người quen quen.

Phi-cơ lại cất cánh.
Mọi cái lại trở thành mong manh.
Giữa bầu trời vẫn vô cùng vô-tận.
Trong vùng mây trắng bao-la
Phía dưới, mặt biển vẫn một màu xanh biếc, minh-mông.

 

BA

Ông Đạt trao hết giấy tờ cho bà, sau khi ra khỏi ống hành-lang nối từ phi-cơ vào phi-cảng Tân-Sơn-Nhứt.  Mọi người có vẻ nhanh chân.  Ông Đạt đảo mắt nửa vòng phía trước.  Ông không thấy nhà thơ Ng.A đâu.  Bà Đạt không còn nhớ người thiếu-phụ nhà thơ vừa quen.  Bà đang bận tâm chuyện bước vào khu-vực có hàng rào công-an và nhân-viên hải-quan.  Bà dặn ông:

- Khi nào qua được cửa ải đầu này, thì ông nhanh chân vọt đi tìm ngay hai chiếc xe đẩy hành-lý.  Chậm chân là không còn. Phần ông chỉ vậy thôi. Còn lại bao nhiêu việc... ông yên chí, để hết tôi lo liệu.  Ông cứ ra vẻ mệt mỏi, mệt mỏi đến như bệnh-hoạn càng tốt.  Ngờ nghệch, khù khờ, dốt nát một chút càng tốt.  Đừng tỏ ra vẻ hiểu biết gì hết.  Giả dại qua ải mà...

Ông Đạt nhắm mắt nghe lời bà.  Không như lần về đầu tiên ba năm trước, ông cự nự với bà khi bà bảo ông kẹp theo 2-3 đô-la lẫn lộn trong một xấp đủ thứ giấy tờ trình ở cửa ải thứ nhứt này.  Ông cãi:

- Cái gì mà phải lo tiền ở đây?  Giấy trình công-an chỗ bàn này chỉ là tờ khai tên tuổi mình, địa-chỉ mình, nơi mình về thăm con cái là chỗ nào.  Giấy có in rõ lời cam-kết là mình khai đúng sự thật, khai man là phạm luật... Rồi đề ngày, ký tên.  Làm sao có cái gì trật được mà phải lo lót.

- Ừ!  Để rồi ông coi.  Cãi với ông mệt quá!

Lần đó ông bị chú công-an hạch hỏi tùm lum.  Ông không mất 2-3 đô-la, nhưng phía sau ông một hàng dài việt-kiều-yêu-nước nguýt hấy ông, xì xầm mắng ông là đồ cù lần, đồ ba trợn làm mất thì giờ.  Qua khỏi chú công-an, ông ngớ ngẩn đứng lại "sorry" từng người đã vì ông mà trễ nãi, dáng vẻ ông lịch-sự, trông giống như thằng Mỹ da vàng ngu ngốc. Và khi ông đến được bên trong thì xe đẩy hành-lý đã hết sạch.

Bà Đạt kẹp 3 đô-la vào xấp giấy tờ.  Ba đô-la lẻ kẹp trong sổ passport của ông.  Bà nhỏ nhẻ trình:

- Chúng tôi hai người.

Nghe lời trình có ông trong đó, ông Đạt bước vào đứng cạnh bà.  Chú trung-uý công-an mặt cúi gầm, nói nho nhỏ:

- Bác trai vô được rồi.

Bà Đạt nắm bàn tay ông, kéo đẩy ông vào trong.  Ông bỏ mặc bà, rảo bước nhanh chân đi tìm lấy hai xe đẩy hành-lý.  Vừa đi ông vừa nhớ lời bà dặn:

Mệt mỏi, mệt mỏi đến như bệnh-hoạn,
Khù khờ, ngờ nghệch.
Dốt nát, chẳng hiểu biết gì.
Giả dại qua ải!

 

BỐN

Năm kiện hành-lý chui qua chiếc máy kiểm hàng trôi trót, ông Đạt với vẻ mệt mỏi, bệnh-hoạn, khù khờ... khệ nệ bưng từng kiện hàng đặt lại lên xe đẩy.  Có gì mà không trôi trót, rải rác trong 5 kiện hàng, ông không nhớ rõ kiện nào đựng món gì, chỉ có 1 printer màu, 2 motherboard, 1 scanner, 1 máy fax, 2 máy điện-thoại và 5 cuốn sách ông Đạt mang về tặng con và tặng bạn bè.  Bà cũng không biết trong hành-lý có 5 cuốn sách, mà một nhà văn giáo-sư ngữ-học khuyên ông không nên mang về khi ông ngỏ ý muốn tăïng Viện Ngôn-Ngữ VN một cuốn.  Cho bà biết chỉ làm bà thêm nơm nớp lo âu.  Sách ông viết có nhiều chỗ làm người cộng-sản không thích.  Bà sợ những cái đó làm trở ngại chuyến về này.  Ông nghĩ, viết vuốt đuôi, viết tâng bốc, viết nịnh bợ chính-quyền hay thế-lực độc-tài là tòng-phạm tội ác.  Còn bà thì muốn được an-thân trong những ngày cuối cuộc đời.  Ông bà cứ hục hặc với nhau chuyện này.  Ông yên-tâm vì chuyến này ông về bằng passport Mỹ, cùng lắm là ông bị trục-xuất khẩn-cấp như bác-sĩ Ngải ở San Jose năm nào mà thôi.  Mà ông vô-danh tiểu-tốt, có đâu tiếng tăm lẫy lừng như bác-sĩ Ngải.  Có gì mà lo.

Ông bắt đầu thấm mệt thật sự, khi ra khỏi phi-cảng.  Trời còn vần-vũ sau vài cơn mưa nhỏ.  Trời không nóng cháy, nhưng với ông bà, trời Sài-Gòn vẫn đang nóng.  Ông cảm thấy cuống họng khô khốc và đắng nghét.  Mồ hôi tươm chảy trên trán, trên mặt.  Trước mắt ông, lố nhố bao nhiêu lớp người đứng đón thân-nhân.  Đứa con dâu cả chen khỏi đám đông, bước ra lối đi của người về.  Nó giành lấy xe hành-lý của bà, và ngoái lại nhìn ông.  Nó cố nén, nhưng không kềm được dòng nước mắt lăn dài trên má.  Có lẽ nó đang mủi lòng nhìn ông già xác xơ trên một hành-trình dài 20 tiếng.  Ông vội nhớ ra, giơ tay quệt mồ hôi trên trán, cởi phăng chiếc áo khoát ngoài sờn cũ rất bụi, trao cho đứa cháu nội, giao chiếc xe hành-lý nặng cho thằng con giữa.  Ông toét miệng cười, bắt đầu lấy lại tinh-thần, sảng-khoái tự-phát:

Ông toét miệng cười rạng rỡ.
Vuốt tóc bầy cháu thiên-thần.
Bà tươi vui ôm ghì mấy nàng dâu hiếu-thảo
Hai thằng cháu nội trai tíu tít níu tay ông.
Ba đứa cháu nội gái quây quần bên chân bà.
Người về, kẻ đón, cả đoàn chậm chạp đi lần ra bãi đậu xe.

 

NĂM

Ông Đạt bước ra khỏi cổng nhà.  Trước kia, nhà ông có cái sân sâu những 8 thước.Và cái cổng này nằm sát lề đường. Từ trước ngày ông bà xa lìa quê-hương, chánh-quyền mở rộng lòng đường và lộ-giới, nên cái cổng rào bị đẩy vào sát tận thềm nhà.  Ông lê bước đến sát lề đường, ông nhìn ra hướng ngoài, ông nhìn vào hướng trong.  Ông khịt khịt mũi, xoay người qua, nhìn miệng cống, phía trên đậy bằng 6 tấm đan đúc một bề 5 tấc, một bề 1 thước rưỡi.  Miệng cống khổng-lồ và thô kệch.  Ông lại khịt khịt mũi, rồi quay lưng trở lại vô nhà.

- Cống và đường trước nhà làm xong từ năm nào Hải?

- Hình như cống làm năm 97.  Đường... sau một năm thì phải?!

- Trước kia, sáng sáng, từ nhà mình, ba đi bộ thể-dục không ra hướng chợ.  Ba chê cống rãnh từ thời Tây quá cũ làm hôi rùm cả thành-phố.  Ba đi vô hướng Mương-Điểm để được hít không-khí trong lành.  Bây giờ cống rãnh trước nhà mình mới làm chừng 4 năm, mà nó còn thúi hơn cống rãnh thời Tây cổ lỗ.

- Mọi người đều biết chung quanh mình chỗ nào cũng hôi thúi.  Nhưng đâu đâu cũng vậy, nên rồi ai nấy cũng quen.  Con nghĩ chánh-quyền, báo-chí ở đây nói đến môi-trường là nói để khoe mẽ, để làm cảnh, chứ thật sự họ không ý-thức được tầm quan-trọng của vấn-đề môi-trường là gì.  Gần mình đây thôi, ba bước vô cầu Bà-Bầu, nhìn rạch Bà-Bầu bây giờ mà đau lòng.  Mới có 10 năm chớ có lâu lắc gì, trong lúc người ta nói nhiều đến văn-minh, văn-hoá, đến môi-sinh, thì người ta cũng đổ thẳng nước cống rãnh vào giết chết ngắt dòng nước rạch Bà-Bầu.  Nước rạch Bà-Bầu chảy ra lòng sông Long-Xuyên, chỗ Nhà Máy Nước bôm lấy nước cung-cấp cho cả thành-phố.

- Thôi đừng nói nữa, ba rởn ốc!

 

SÁU

Ông Đạt rùn đôi vai, nhắm mắt lại, hai tay bụm mặt.  Ông cúi gầm.  Ông nhớ câu nói chấm dứt cuộc trò chuyện với con hôm qua, "Thôi đừng nói nữa, ba rởn ốc!"  Bây giờ, ông đang nói thầm với ông:

"Thôi!  Đừng nhìn nữa.  Càng nhìn càng rởn tóc gáy." 

Trên chiếc xe khách 15 chỗ ngồi "chất-lượng" cao nầy, ông âm thầm cầu-nguyện bình-an cho chuyến xe đò mà ông đang đi từ Long-Xuyên lên Sài-Gòn.  Tài-xế xứ-sở nầy toàn là tài-xế tinh-anh, nhưng dưới mắt ông, là thứ tài-xế tử-thần.  Họ luôn luôn hồm sẵn để tràn qua tuyến ngược chiều, để chen lên vượt qua mặt chiếc xe cùng chiều.  Khi họ lách qua, len nhanh như chớp để trở về được tuyến xuôi chiều, ông Đạt rùn đôi vai, nhắm nghiền đôi mắt và cầu-nguyện.  Ông thấy 3 chiếc xe, 2 chiếc xuôi chiều và 1 chiếc ngược chiều, gần như sát vào nhau, có lẽ chỉ cách nhau chừng đôi ba tấc, trong tích-tắc vượt qua mặt đúp-lê một cái vù, đường tơ kẽ tóc, với tốc-độ 100 cây số giờ.  Hai xe ngược chiều biến thành tốc-độ 200 km/giờ.  Ông nhắm mắt, phó-thác cho số-mệnh.  Ông đang gởi thể xác và linh-hồn cho anh tài-xế tử-thần tinh-anh.

Những chiếc xe mô-tô giăng hàng ngang lướt vun vút trên quốc-lộ, thỉnh thoảng có chiếc lượn nhanh ngang trước đầu xe đò để vượt qua tuyến ngược chiều.  Ông Đạt lắc đầu nghĩ nhớ.  Mới trước đây vài hôm, từ Mũi-Né trở về Sài-Gòn, ông ngẩn ngơ nhìn thoáng qua một tai-nạn kinh-khiếp:  Chiếc xe mô-tô văng xa một nơi. Nạn-nhân là một chàng trai nằm xóng xoài bất-động giữa đường, máu me động vũng.  Chắc hắn đã chết.  Người hiếu-kỳ tụm nhum ven lộ hững hờ nhìn. Hai chiều xe ngược xuôi nép qua một bên lướt qua cạnh xác người đang là cát bụi.

Sài-Gòn đang ì xèo trưng bày, mời gọi bán buôn những chiếc nón bảo-hộ an-toàn dành cho người lái xe mô-tô.  Người ta nói nhiều về chiếc nón bảo-hộ đó (bên VN gọi là nón bảo-hiểm)  Nhưng ông Đạt tâm-đắc câu nói này:

"Chiếc nón bảo-hộ" đã hai lần thai nghén mà không đẻ được.  Lần thai nghén thứ ba nầy bà mụ bắt buộc phải đẻ cho kỳ được vào ngày 1-6-01.  Nhưng nó đẻ ra... quái-thai. 

Nhà nước mỗi thành-phố, mỗi thị-trấn đang lên kế-hoạch cắm bảng báo định ranh giới phải đội mũ an-toàn.  Và chắc cảnh-sát giao-thông rồi cũng lên kế-hoạch kiểm-tra người dân thi-hành luật-pháp.  Tất cả người cầm quyền rồi sẽ béo bở thêm nhờ pháp-lệnh bảo-vệ người dân qua chiếc nón bảo-hộ.

Ai là người chủ sản-xuất chiếc mũ an-toàn?
Chả ai dám tiết-lộ.
Người chủ mau mắn trở thành tỷ, tỷ-phú.
Rồi sau đó,
Chuyện chiếc mũ sẽ trôi vào một xó.
Mọi người làm ngơ.
Cuộc đời trôi qua như bài nhạc, như lời thơ...
Những bài nhạc, những vần thơ gian-ác...

 

BẢY

Bà Đạt đi chợ về.  Hai cô con dâu rối rít bưng xách những món bà mua vào nhà trong.  Tiếng bà tươi vui từ ngoài cửa.  Gặp ông đang nằm trên võng, bà đon đả:

- Ông coi kìa! Hai mươi bốn nải chuối già hương, thơm ngon như vầy mà chỉ có 45 ngàn... Tôi không có trả giá gì hết đâu nghe, ông đừng vội la tôi.  Tôi còn trả dư 3 ngàn, như là tiền típ bên bển, thành ra 48 ngàn.  Tính ra chỉ hơn 3 đô.  Ba đô ở bển chưa mua được hai nải.  Rẻ, rẻ như sình!  Tội nghiệp dân quê!  Người ta nói lúa năm nay chỉ có 20 ngàn một giạ.  Nông dân ai cũng than lỗ!  Mấy năm trước lúa 40 ngàn.  Tội nghiệp nhà nông!... Tôi phơi mấy chục nải chuối già này.  Nghe nói chuối già phơi khô còn ngon hơn chuối cau sấy nữa...

Ông Đạt nằm võng.  Chiếc quạt trần quay quay.  Trời vẫn nóng.  Ông lẩm bẩm:

- Mua quách cho rồi.  Bày chuyện phơi phiếc... cực nhọc tụi nó!...

- Không có gì cực đâu ba  đứa con dâu tươi vui  Đem tuốt lên nóc phơi chừng vài ba nắng là đủ khô.  Để tụi con xúm lại làm cho má.

Bà cười hài lòng.  Mặt ông Đạt rũ rượi buồn.  Mới ba tuần, mà lòng ông đang nhớ căn nhà xa tít bên xứ người, nhớ cây ổi xá lị, cây bưởi Năm Roi, ông hoạn-dưỡng mấy năm nay, đang trổ bông, sắp có trái chuyến, nhớ mấy liếp rau sau nhà, không biết bạn thằng Vĩnh có nhớ tưới không, hay để héo queo hết rồi.  Ông nôn nóng trông mau tới ngày 12-6 để ông "quay về". 

Trời ơi!  Sao lại gọi là "quay về"?  Quê-hương ông là chốn nào?  Mọi người, trong lời nói, đều vinh-danh quê-hương, không đâu đẹp bằng quê-hương.  Mọi người muốn thiên-hạ biết rằng mình tha thiết yêu quê cha đất tổ đều hết lời thổ-lộ nỗi niềm buồn nhớ quê-hương, nỗi niềm mong đợi ngày trở về quê-hương, thổ-lộ những kỳ-vọng quay về xây-dựng quê-hương... Còn ông, ông đang hiện-diện trên quê-hương, sao ông buồn bã, mong ngóng mau tới ngày lên phi-cơ trở lại Hoa-Kỳ?  Những người khác có tâm-trạng như ông không?  Ông thấy lòng mình buồn rười rượi.  Không phải buồn vì sắp phân-ly với đám con và bầy cháu nội, mà ông buồn bực vì trạng-thái ngược, thầm kín trong lòng ông "Sao ông lại nôn nóng mong đợi mau tới ngày trở lại xứ người?  Quê-hương không còn đủ hấp-lực cuốn hút ông chăng?  Những điều tệ hại trong xã-hội quê-hương làm nản lòng ông chăng?  Buồn nản đến độ hấp-lực của 4 thằng con trai, của 4 nàng dâu hiếu-thảo, của 8 đứa cháu nội thiên-thần không cuốn hút được ông như xưa nữa chăng?"  Ông bàng-hoàng, cô-đơn giữa những người thân!

Tôi đang là gì đây?
Có ai ôm ấp nỗi niềm này chăng?
Quê-hương ghẻ lạnh hay tôi phũ phàng?
Chiếc quạt trần quay quay.
Trời nóng bức. 
Không-gian ồn ào.
Ông Đạt bất-động nhìn trần nhà vô-tri!

 

TÁM

Chiếc Boeing 747 của hãng hàng-không EVA nặng nề, chậm chạp quay nửa vòng để vào phi-đạo chờ cất cánh.  Ông Đạt quét cái nhìn hơn nửa vòng quay.  Phi-trường có thay đổi nhiều, nhưng tổng-quát thì những dấu vết gần 30 năm về trước vẫn còn đó.  Những ụ bê-tông hình nửa ống tròn úp cong cong để phi-cơ tránh pháo-kích thời chiến-tranh vẫn còn đó, san sát bỏ trống, hoang-phế, xấu xí.  Cái mới là những căn nhà lầu chung quanh phi-trường.  Ông Đạt nghe nói đó là một ung nhọt trong vô-số ung nhọt của chế-độ.  Ung nhọt hơn cái ung nhọt cường-hào ác-bá thời phong-kiến thực-dân.  Chính chỗ cửa ngõ thông ra quốc-tế nầy diễn ra trò chơi rừng, chà đạp kỷ-cương, thách đố pháp-luật: tranh giành cướp đất và xây cất hỗn độn, bất-hợp-pháp.  Người vô-sản tiên-phuông đi xây-dựng thế-giới đại-đồng "người không bốc lột người", bước đầu săn tìm tư-hữu bằng con đường cướp giựt đó.  Dấu vết cuộc săn tìm nầy là những căn nhà chung quanh phi-trường Tân-Sơn-Nhứt.  Bây giờ người ta tìm thấy được những dấu vết tương-tự cùng khắp trên quê-hương VN.

Ông Đạt thoát ra khỏi cơn nghĩ suy khi cảm-giác thấy những chiếc bánh phi-cơ rời mặt đất.  Ông sờ ổ khoá giây beo an-toàn.

Phi-cơ lại cất cánh.
Mọi cái lại trở thành mong manh.
Giữa bầu trời vô cùng vô-tận
Trong vùng mây xanh trắng bao-la.
Phía dưới, mặt biển vẫn một màu xanh biếc.

 

CHÍN

Phi-cơ lại cất cánh.
Mọi cái lại trở thành mong manh.
Giữa bầu trời vô cùng vô-tận
Trong vùng trên mây xanh dưới mây trắng bao-la.
Thăm thẳm, mặt biển vẫn một màu xanh biếc không trông thấy.

Tiếp-viên hàng-không đi dọc hành-lang nhờ khách đóng các cửa sổ tò vò.  Mọi người lần lượt ngả lưng trên tựa ghế hạ thấp thoai thoải, tìm kiếm giấc ngủ đường xa.  Ông Đạt chụp lên đầu ống nghe nhạc, hạ chiếc bàn treo con xuống, bật chiếc đèn riêng hành-khách của ông.  Ông hí hoáy viết: 

Tôi, và cả chiếc phi-cơ khổng-lồ nầy nữa, đang như là hạt bụi, hạt cát trong vũ-trụ quyền-uy vô-biên.  Tôi ước ao những dòng chữ nầy được lững lờ trong không-gian huyền-bí nầy, để những người đồng-bào của tôi có cơ-duyên sẽ thấy được, đọc được những lời nói thật của tôi, mà có khi tôi đã nói dối trong chuyến đi nầy.

Trong 4 tuần ngắn ngủi, tôi gặp lại một ít bạn bè hiếm hoi còn lại, và vô-tình gặp một số không phải là bè bạn, mà là những người muốn biết lòng dạ, tư-tưởng của tôi khi trở lại quê nhà. Gần như người nào cũng hỏi câu nầy: "Anh thấy đất nước VN bây giờ thế nào?"

Mỗi người đều mong đợi một câu trả lời của tôi sao cho hạp với ý mình.  Bạn bè thì muốn tôi có câu trả lời thấu suốt bề trái của chiếc mề-đai.  Cán-bộ cộng-sản thì muốn nghe được câu trả lời xác-định câu nói "Bây giờ đất nước được xây-dựng gấp 10 lần ngày xưa là đúng."

Tôi đã trả lời mỗi người một cách.  Tất cả chừng như hài lòng với câu trả lời của tôi.  Tuy nhiên, chỉ có tôi, chính tôi không hài lòng những gì mình đã nói. Tôi chỉ mới nói có phân nửa những gì mình nghĩ.  Bây giờ giữa không-trung bao-la, tôi đang là hạt bụi vô-nghĩa.  Tự dưng tôi muốn ghi ra những lời chân thật nhứt từ trái tim của mình.

Vâng!  Chiếc cầu treo Mỹ-Thuận là một công-trình xây-dựng tuyệt-vời, có thể so sánh được với hầu hết những chiếc cầu bên Mỹ, mà tôi biết.  Chưa so sánh được với phần lớn xa-lộ ở California, nhưng quốc-lộ 1, đoạn nối từ Sài-Gòn về miền Tây, cũng đáng ngợi ca, mặt lộ phẳng phiu.  Suốt đường dài có kẽ lằng phân-tuyến, phân làn xe.  Có chỗ mỗi tuyến một làn, có chỗ hai làn.  Lằng kẽ có chỗ ngắt đoạn, có chỗ liền thẳng tắp.  Cũng có lằng kẽ đôi song-song phân-tuyến ở giữa, kẽ ngắt đoạn khi thì bên nầy, khi thì bên kia.  Khách ngoại-quốc, Việt-kiều-yêu-nước quay về, nhìn thoáng những lằng kẽ ấy hẳn hài lòng: Kiều-lộ VN ngày nay có thua gì xứ Mỹ đệ-nhất.  Nhưng tất cả những cái đó là bề ngoài, bề mặt của chiếc mề-đai!  Bề lưng chiếc mề-đai là cái gì?  Là sự dốt nát, không hiểu biết ý-nghĩa của các lằng kẽ.  Tất cả những người sử-dụng công-lộ đều không biết các lằng kẽ đó là gì, hoặc có người biết, nhưng biết để mà chơi, không ai coi nó ra cái thớ gì hết, kể cả những cảnh-sát giao-thông.  Sáu tháng đầu năm 2001, trên 14 nghìn tai-nạn giao-thông, trong đó hơn 5 nghìn người bỏ xác (đổ đồng 27 mạng một ngày)  Trong đó thành-phố Hồ-Chí-Minh giết chết trên 550 người (gần 2 mạng mỗi ngày).  Hằng triệu triệu chiếc nón bảo-hộ sẽ bán sạch trong những ngày tới.  Nhưng những chiếc nón bảo-hộ ngăn bớt được bao nhiêu tai-nạn, giảm bớt được bao nhiêu xác người? 

Tôi đọc thấy trên tờ báo Công-An cũ, hồi năm 2000, ba bốn độc-giả viết bài đánh hôi, mạt sát ông Hà Sĩ Phu, khi ông nầy viết bài tuồn ra nước ngoài "nói xấu đồng-bào rằng thì là "Dân-trí VN quá thấp!"

Thưa vâng!  Bạn cũng sẽ bị mạt sát như vậy.  Tôi cũng sẽ bị mạt sát như vậy.  Vì chúng ta cũng sẽ nói "Dân-trí VN mình bây giờ quá thấp!", khi chúng ta nhìn thấy mọi người, từ anh trí-thức đến dân lao-động, sử-dụng đường sá trong thành-phố và trên xa-lộ đường dài.  Trên đường Hùng-Vương, mỗi chiều có 3 làn xe, tại một ngả tư, anh cảnh-sát giao-thông đậu mô-tô lại, đứng thị-oai.  Ba chú nhân-dân tự-vệ, đứng trên bờ phân-tuyến giữa đường, hạ chiếc cờ đuôi nheo màu đỏ để chận luồng xe khi đèn đỏ.  Ngần ấy mệnh-lệnh giao-thông: đèn đỏ ra lệnh ngừng chờ; anh cảnh-sát giăng 2 tay, huýt còi toét toét chận; 3 chú nhân-dân tự-vệ hạ cờ đỏ, miệng la ơi ới ra lệnh ngừng... Vậy mà cũng có 2 xe đạp, 3 mô-tô thản-nhiên vượt đèn đỏ.  Dân-trí VN mình như vậy đó!

Các bạn trách tôi "Sá gì năm bảy kẻ ngu dốt như vậy, mà vơ đũa cả nắm!"

Thưa vâng!  Người ta không thấy những nhà trí-thức, những nhà cầm quyền vượt đèn đỏ như vậy, dân-trí thấp như vậy. 

Đèn đỏ trên trục giao-thông là gì?  Là mệnh-lệnh, là pháp-luật, là qui-ước đo lường mức độ văn-minh, mức độ dân-trí, "Hãy đợi chờ tới phiên mình."  Người vượt đèn đỏ là người không biết, không muốn chờ đợi, mà muốn chen lên, giành giựt lấy phiên của người khác.  Xét như vậy, nên tôi nhìn thấy ra hầu hết người Việt bây giờ, trong chế-độ cai-trị bây giờ, toàn là những người vượt đèn đỏ.

"Cán-bộ cấp tỉnh trở lên, bây giờ ai cũng tỷ-phú!"  (Dĩ nhiên không phải là tỷ Mỹ-kim). Tất cả người Việt trong nước đều biết như vậy.

Thử làm vài bài toán nho nhỏ:  Đếm đầu cán-bộ cấp tỉnh một tỉnh rồi nhân lên với số tỉnh trong nước thì ta ra được một số-lượng.  Rồi cọng số-lượng đó vào số cán-bộ cấp trung-ương cũng gần ngần ấy. Tổng-số đó là những người có thể nói là tinh-hoa của đất nước, mà người ta phỉnh phờ tự gọi là "đày tớ của nhân-dân".  Những "đày tớ" đó đang là tỷ tỷ-phú.  Làm sao chứng-minh được những người đó không "vượt đèn đỏ" mà được như vậy?  Gần 1 nghìn 5 trăm cán-bộ dùng bằng cấp giả để thăng-tiến sự-nghiệp.  Làm sao chứng-minh được những người đó không "vượt đèn đỏ".

"Đỉnh-cao trí-tuệ" của đất nước toàn là thứ "vượt đèn đỏ", thì làm sao không nảy sinh ra những người dân coi chuyện vượt đèn đỏ là niềm hãnh-diện.  Người ta đè đầu cởi cổ người dân, bóp hầu, bóp họng họ... để vượt lên, để "vượt đèn đỏ" trên mọi lãnh-vực, thì có sá gì chuyện một anh cởi mô-tô vượt đèn đỏ để kịp một chuyện áp-phe, để kịp giờ đưa con đến trường, để mua vui khi sớm hơn bè bạn một chút.  Chuyện vượt đèn đỏ trên công-lộ trở thành chuyện nhỏ, so sánh với những chuyện "vượt đèn đỏ" của đám "đày tớ nhân dân".  Cái đáng đau buồn là hơn 50 triệu người Việt đang khuất-phục những bọn "vượt đèn đỏ".  Người dân tay lấm chân bùn đã đành, mà cả những trí-thức, học-giả, giáo-sư, cả những trí-thức trẻ lòng đang tràn đầy tâm-huyết... cũng cam-tâm cúi đầu, toa rập, tòng-phạm.

Thưa bạn, trong tình-trạng như hiện-tại, thì 100 năm nữa (5 thế-hệ nữa) chuyện "vượt đèn đỏ" vẫn vậy, có thể còn tệ hơn.  Do vậy, riêng chiếc cầu Mỹ-Thuận có rất đẹp, riêng từng dinh-thự của chính-quyền có rất nguy-nga, riêng từng nhà tư-nhân mới xây cất có rất lộng lẫy..., nhưng khi bạn bước chân về VN bạn nhìn đâu cũng thấy rối mắt, chỗ nào, lãnh-vực nào cũng xô bồ xô bộn, cũng vô-trật-tự, không cứ gì chỉ có chuyện đèn xanh đèn đỏ mà tôi đưa ra dẫn-chứng cụ-thể.  Bạn sẽ thấm thía thấy được dân-trí mình giờ đây ra sao!...

Chuyện dài dân-trí Việt-Nam bây giờ.
Dài như chuyện giao-thông vô-tận
Dài như chuyện đỉnh-cao trí-tuệ.
Dài như chuyện "vượt đèn đỏ"  
Dân-trí Việt-Nam càng ngày thêm tệ.
Là do đó!

 

MƯỜI

 Sau hai hồi chuông điện thoại reo, ông Đạt bắt phone, có tiếng đáp:

- A-lô!

- A-lô!  Hải đó hả?  Ba má đã tới nơi bình-an...

- Tụi con đang chờ điện-thoại ba đây.  Suốt hành-trình trở qua có gì lạ không ba?

-  Chuyến qua nhanh hơn gần 4 tiếng.  Chờ chuyển phi-cơ ở Taipei chỉ mất có 2 tiếng và phi-hành từ Taipei qua San Francisco nhanh hơn gần 2 tiếng.  Từ phi-trường SFO về San Jose nhằm giờ cao-điểm, bị kẹt xe.  Suốt 4 tuần luôn luôn xốn mắt vì nhìn cảnh hỗn độn xe cộ bên nhà.  Ba nhìn đoàn xe kẹt bên này mà mát mắt.  Trên ba lane, xe bò từ từ chậm như rùa, nhưng trông thẳng tấp và đều đặn như xe đang trong bãi đậu.  Nhìn mà sướng đôi mắt.  Xe ba đi ba người, nên lướt vun vút trên lane carpool.  "Kha-phun" là  lane dành riêng cho xe có hai người trở lên.  Kẹt xe bao lâu cứ chịu kẹt, những xe đi một người có gấp gáp mấy cũng không xé rào nhập qua lane carpool.  Tinh-thần dân-trí cao thấp cũng thể-hiện ở đây.  Bao giờ VN có được và sử-dụng nhịp nhàng những ngả tư 4 stop, những lane carpool, lúc đó dân-trí mình mới bắt kịp thế-giới văn-minh.  Nhưng chuyện đó còn lâu, lâu lắm, chừng nào bọn người cai-trị đất nước vẫn còn là thứ người "vượt đèn đỏ", chừng nào những nhà trí-thức, những tuổi trẻ đầy nhiệt-huyết vẫn còn khúm núm, vẫn còn qui-phục những bọn người "vượt đèn đỏ"... Chưa diệt trừ được bọn "vượt đèn đỏ" thượng-tầng, thì không bao giờ diệt được nạn vượt đèn đỏ tép riu trên công-lộ... Chỉ khi nào có tự-do báo-chí thì mới tiêu trừ được quốc-nạn "vượt đèn đỏ"...

Bà Đạt mỉm cười, đứng lặng nhìn ông, một tay cầm phone, một tay múa may nói chuyện với thằng con xa cách nửa vòng trái đất.  Bà thấy dường như lúc này ông khá lẩm cẩm.  Bà chọc ông:

- Cho tụi nhỏ biết mình về đến nơi bình-an mà thôi.  Tới bên này rồi, chớ phải còn ở bển đâu mà cứ vượt đèn đỏ..., vượt đèn đỏ... Không khéo, bị ám-ảnh, rồi mai mốt đây ông lại bắt chước "vượt đèn đỏ" thì bỏ mạng... Tỉnh lại đi ông ơi!

Ông Đạt gác phone, vươn vai, xoay một vòng, nhìn khắp 4 vách chung quanh:

- O€!  O€!  Bà nghe kìa!  Chung quanh mình sao như vắng lặng tuyệt-đối!  Tôi có cảm-giác... mình đang ở giữa một cánh đồng quạnh vắng.  Không còn tiếng còi xe tin tin. Không còn tiếng máy nổ hụn hụn.  Không còn cả tiếng người ồn ồn như họp chợ.  Niết-bàn chắc cũng yên tịnh như vầy mà thôi bà há?

Bà Đạt không trả lời ông.  Bà quay qua nói nho nhỏ vời thằng con:

- Lúc rày có lẽ ba mày dở hơi khá nặng rồi Vĩnh à!

Bà Đạt nhìn ông, cười.

Ông Đạt nhìn vu vơ xuyên qua cửa kính, mỉm cười.

Thằng con nhìn ông, nhìn bà, cười mỉm...

 

San Jose, ngày Lễ Độc Lập 4 tháng 7 năm 2001

Nguyễn Phước Đáng

 


Mụclục


Back to VNY2K Homepage
Trởvềlại trangnhà VNY2K

Back to top

Bàivở xin gởivề : dchph (a) yahoo dot com

Copyright © 2003-18. All rights reserved. 

Flag counter for this page only -- reset 06062023