Printable Version


+-+ Họcthuật - nghiêncứu
|---+ Họcthuật vănhoá
+-----+ Topic: Hãy viết lại cổ sử Việt Nam by Chuthai


Author: Chuthai posted on 12/15/2004 11:35:32 AM

Trương Thái Du

Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam
và sự sa lầy của sử học Việt – Trung hàng ngàn năm nay

Trong bài “Việt Nam thời bán sử và những thông điệp nhân văn” tôi từng đề cặp sơ sài đến nghĩa của từ Giao Chỉ, và suy ra vị trí của Giao Chỉ ở từng thời điểm lịch sử. Từ Giao Chỉ có ý nghĩa rất lớn lao với lịch sử Việt Nam. Mọi tồn nghi sẽ được hóa giải cặn kẽ nếu làm sáng tỏ được Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam là gì.

Tóm tắt nội dung: tác giả đã dùng những kiến thức thiên văn của một người từng thực hành thiên văn trong nghề đi biển để giải mã các yếu tố thiên văn trong cổ sử và rút ra kết luận: a) Giao Chỉ nguyên nghĩa là một khái niệm nói về vùng đất phía nam vương quốc của Đường Nghiêu – Ngu Thuấn. b) Giao Chỉ đầu thời Chu chính là đất Sở (Hồ Bắc, Trung Quốc hôm nay). Giao Chỉ cũng còn gọi là Cơ Chỉ hoặc Cơ Sở, nó hàm nghĩa luôn tên nước Sở thời Xuân Thu và Chiến Quốc. c) Giao Chỉ thời Tần là Tượng Quận, Giao Chỉ thời Hán trở về sau là đồng bằng sông Hồng (bắc bộ Việt Nam). d) Đóng khung bởi kiến thức thiên văn thời Tần – Hán, Nhật Nam nghĩa là vùng đất phía nam mặt trời, là bán cầu nam, Cửu Chân là Chân Trời, Xích Đạo.

1. Nam Giao, một trạm quan trắc thiên văn cổ xưa

Trong Thượng Thư, quyển sử cổ nhất của Trung Hoa, chương Ngu thư, mục Nghiêu điển đã có từ Nam Giao: “Thân mệnh Hy Thúc trạch Nam Giao, bình trật nam ngoa, kính trí. Nhật vĩnh, tinh Hỏa, dĩ chính trọng hạ. Quyết dân nhân, điểu thú hy cách”. Nghĩa là: “(Vua Nghiêu) sai Hy Thúc đến Nam Giao, quan sát mặt trời di chuyển về phương nam, ghi ngày Hạ chí. Lúc ngày dài nhất, sao Hỏa đầu hôm ở đỉnh đầu sẽ là ngày trọng Hạ (giữa mùa Hạ). Dân ăn mặc quần áo mỏng, chim thú thay lông”. Nam Giao nằm trong một hệ thống địa danh gồm: Dương Cốc (phía đông), Muội Cốc (phía tây), Sóc Phương (phía bắc), Nam Giao (phía nam). Từ 4 nơi này, các vị quan mà vua Nghiêu phái đến sẽ quan sát qui luật chuyển động của mặt trời, mặt trăng và các vì sao rồi tổng hợp các qui luật ấy thành lịch phù hợp với sự vận hành của thiên nhiên nhằm áp dụng thẳng vào đời sống nhân dân. Bốn địa danh trên chính là bốn trạm quan trắc thiên văn cổ xưa của loài người.

Khảo cổ hiện đại ở Trung Quốc vẫn chưa thể xác định kinh đô Nghiêu – Thuấn ở đâu, dù vẫn biết nó không nằm ngoài trung lưu Hoàng Hà (thuộc ba tỉnh Thiểm Tây, Hà Nam, Sơn Tây). Bốn trạm thiên văn sẽ nằm về bốn hướng mà kinh đô Nghiêu – Thuấn là trung tâm. Trong một bài toán thiên văn, sai số đo đạc (ắt phải có) càng ít ảnh hưởng đến kết quả nếu khoảng cách các trạm càng xa nhau. Tuy nhiên khi các trạm quá xa thì mối liên hệ giữa các trạm lại gặp nhiều trở ngại. Theo tôi, khoảng cách giữa hai trạm Đông – Tây hoặc Nam – Bắc sẽ cỡ 10 kinh – vĩ độ là tối đa. Một vĩ độ trên mặt đất dài hơn 111 km. Do đó Nam Giao không thể xa hơn kinh đô Nghiêu – Thuấn 500 km, và lại càng không thể vượt khỏi dòng Trường Giang rộng lớn hung dữ phía nam.

Tôi xin trình bày ở đây một bài toán thiên văn đơn giản nhất để làm minh họa: Bằng các phép đo mặt trời cực kỳ thô sơ người ta có thể suy ra vĩ độ tại một vị trí bất kỳ trên trái đất. Biết vĩ độ hai điểm nào đó sẽ tính ra khoảng cách gần đúng giữa 2 điểm ấy theo đường chim bay.

Xác định vĩ độ của Hà Nội: Chọn một trong 4 ngày Xuân phân, Hạ chí, Thu phân hoặc Đông chí. Dựng một cây cột thẳng vuông góc với mặt đất. Giữa trưa, khi bóng cột đổ dài đúng hướng Bắc – Nam ta đánh dấu đầu bóng cột trên mặt đất. Dễ dàng tính được góc kẹp giữa cột và cạnh huyền của tam giác vuông tạo bởi cột, bóng cột và cạnh huyền (là cạnh ảo). Vĩ độ V của Hà Nội sẽ là:

[tab]a. Với ngày Xuân phân và Thu phân: V = Giá trị góc kẹp
[tab]b. Với ngày Đông chí: V = Giá trị góc kẹp – 23 độ 27 giây.
[tab]c. Với ngày Hạ chí: V = 23 độ 27 giây – Giá trị góc kẹp

Dù tìm V ở ngày nào, nó luôn bằng 21 độ. Với cách làm tương tự, ta tính ra vĩ độ Sài Gòn là 10 độ 30 giây. Khoảng cách theo đường chim bay Hà Nội và Sài Gòn là: D = (21 độ - 10 độ 30 giây)x 111km = 1.165,5 km.

Ở trường hợp Hà Nội và Sài Gòn, chênh lệch kinh độ nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả gần đúng. Khi kinh độ chênh lệch lớn người ta phải dùng thêm vài bài toán phụ trợ khác nữa.

Tóm lại Nam Giao chính là một địa danh. Sau này kiến thức thiên văn của con người sâu sắc hơn, các dụng cụ quan trắc tinh tường hơn thì không cần thiết đi quá xa để đo đạc. Đài Nam Giao có thể dựng ở ngay kinh đô vương quốc. Vua dễ dàng cúng mặt trời trên đài, lần hồi Đài Nam Giao đã biến thành Đàn Nam Giao cho nghi thức tế trời. Vai trò trạm thiên văn của Nam Giao bị che khuất bởi hành vi tín ngưỡng. Hơn nữa chỉ cần một máy đo cao độ mặt trời, cùng với việc tra các bảng tính sẵn trong sách vở, mọi bài toán thiên văn phức tạp nhất đều có thể tính ra.

2. Địa danh Nam Giao góp phần sinh ra khái niệm Giao Chỉ

Nam Giao sẽ đẻ ra khái niệm Giao Chỉ. Thật vậy, Giao Chỉ với chữ Chỉ có bộ phụ mang nghĩa là vùng đất, khu vực. Giao Chỉ là vùng đất tiếp giáp, vùng biên cương vương triều ở về phía nam của địa danh Nam Giao. Chữ Chỉ ngoài bộ phụ, còn có một chữ Chỉ nữa đồng âm nhưng bộ Túc (bàn chân). Sự nhầm lẫn giữa hai chữ Chỉ này góp phần khiến cho nhiều sử gia từ Đông Hán trở về sau có rất nhiều cách giải nghĩa Giao Chỉ. Trần Thư, một bộ sử do Diêu Tư Liêm viết năm 636 đã lần đầu tiên ghi thêm một chữ Chỉ nữa với bộ Thổ (đất) trong từ Giao Chỉ. Cổ văn Trung Hoa có qui tắc “đồng âm thông giả”, tức những chữ đồng âm đều có thể mượn và sử dụng lẫn lộn. Khi tìm nghĩa một chữ phải vận dụng ngữ cảnh đang xét chứ không thể máy móc giữ nghĩa chết của chữ ấy trong những tài liệu khác ít liên hệ.

Thượng Thư, tương truyền do Khổng Tử san định, là quyển sách đầu tiên nói đến Giao Chỉ, phần Đại truyện ghi: “Phía nam Giao Chỉ có Việt Thường quốc, đời Thành Vương (1063 TCN - 1026 TCN) họ qua 3 lần phiên dịch đến giao hảo và hiến tặng chim Trĩ”. Thượng thư còn được giải thích là sách trời. Đây chính là lý lẽ của bài thơ Nam Quốc Sơn Hà thời Lý:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Người Việt không còn lưu được quyển sử nào vào thời Lý, song chỉ qua bài thơ trên cũng thấy rõ quan niệm họ cho rằng mình là hậu duệ của Việt Thường quốc phía nam Giao Chỉ. Bởi Giao Chỉ không hề được Thượng thư xem là một quốc gia. Chắc chắn Lý Thường Kiệt hiểu Giao Chỉ đơn giản là một khái niệm nên mới cho lưu truyền bài thơ đó nhằm khích lệ tinh thần vệ quốc của quân dân.

Từ Nghiêu – Thuấn đến đầu triều Chu lãnh thổ Trung Quốc chưa bao giờ vượt qua dòng Trường Giang. Thiên Vũ Cống của Thượng Thư nhắc đến cương vực vương quốc gồm cả bờ nam Trường Giang, nhưng nhiều nhà nghiên cứu tin rằng nội dung của Vũ Cống bị điều chỉnh rất nhiều và thậm chí có thể được viết vào thời Chiến Quốc chứ không thể xa hơn. Do đó không cần vị trí chính xác của Nam Giao vẫn biết được khái niệm Giao Chỉ mô tả vùng đất tiếp giáp Nam Giao, nằm bên bờ bắc trung lưu Trường Giang. Giả dụ có địa danh Giao Chỉ, từ Đông Chu trở đi, việc nước Sở hình thành và bành trướng về phương nam ắt phải xuyên qua Giao Chỉ và địa danh Giao Chỉ phải được nhắc đến không dưới một lần trong rất nhiều sách sử có nói về nước Sở.

Chuỗi luận này sẽ đưa ra một câu hỏi hết sức bất ngờ: “Phải chăng đất Sở, mảnh đất mà Chu Thành Vương phong cho Dịch Hùng chính là một phần của vùng Giao Chỉ thời ấy?” Đoạn đầu An Nam Chí Lược, Lê Tắc có dẫn quyển Hán Quan Nghi của Ứng Thiện chép rằng trước tiên Trung Quốc mở mang từ Sóc (phương bắc) rồi tiến sang phương nam lấy làm Cơ Chỉ. Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên cũng viết Giao Chỉ là Cơ Chỉ (cơ sở) mà Hán Vũ Đế mở mang cho con cháu (sẽ dẫn kỹ lưỡng ở bên dưới). Cơ Chỉ đồng nghĩa với Cơ Sở. Chữ Sở trong từ Cơ Sở chỉ khác tên nước Sở ở bộ Thạch nằm bên trái. Theo qui tắc “đồng âm thông giả” thì đất Sở mà Thành Vương phong cho Dịch Hùng chính là Cơ Sở của nhà Chu, là Cơ Chỉ của nhà Chu và là một phần Giao Chỉ (vùng đất phía nam đang khai phá) của vương triều Chu. Hùng Dịch đến Đan Dương lập quốc, nơi đó hôm nay nằm ở bờ bắc Trường Giang, thuộc tỉnh Hồ Nam.

Tại Nam man truyện trong Hậu Hán Thư, sau khi nhắc đến ghi chép về Việt Thường quốc ở Thượng Thư đại truyện, Phạm Việp nói tiếp: “Nhà Chu suy, đến lúc Sở xưng bá thì Bách Việt triều cống Sở”. Lôgic ở đây là Việt Thường quốc nằm trong Bách Việt. Nước Sở còn được gọi là nước Kinh. Người Sở có dòng máu Việt. Từ ngày Hùng Thông, hậu duệ của Dục Hùng tiếm đoạt vương hiệu, Trung Quốc luôn coi nước Sở là man di. Không còn trong vòng cương tỏa của triều đình Đông Chu nữa, nước Sở bành trướng ra mãi và có thời làm chủ các chư hầu phương đông. Đó là lý do khái niệm Giao Chỉ bị mất tích trong một thời gian rất dài. Và đó cũng là lý do sử sách Trung Quốc khuyết đi những mô tả chi tiết về Việt Thường quốc và nhiều vùng khác thuộc Bách Việt từ Xuân Thu đến cuối Chiến Quốc. Sử nước Sở, sử của man di không đáng gọi là chính sử để truyền bá nên hầu hết đã bị nhà Tần đốt hoặc thất truyền.

Khi Tần diệt Sở, nước Sở bị gộp vào Trung Nguyên, khái niệm Giao Chỉ không thấy xuất hiện. Sử Ký, Nam Việt úy Đà liệt truyện, viết: Năm 214 TCN quân Tần cướp Dương Việt đặt 3 quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng. Quế Lâm và Nam Hải khá rõ ràng, duy Tượng Quận đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực mà hai ngàn năm nay người ta chưa rõ nó ở đâu. Cũng vì nhà Tần quá ngắn ngủi, chiến tranh sau đó làm sách vở tiêu tán gần hết. An Nam chí lược của Lê Tắc bảo: “Nhà Tần lấy Giao Chỉ làm Tượng Quận”.

Một khi khái niệm Giao Chỉ bị xếp lại, hẳn nhiên phải có một khái niệm khác thay thế. Phải chăng đó là Tượng? Để mô tả thứ nào đó trừu tượng người ta hay dùng phép tượng trưng. Giai thoại “Thầy bói mù xem voi” đã mượn con voi nhằm nói về sự trừu tượng. Tôi chưa thể giải quyết thấu đáo vấn đề chữ Tượng như một khái niệm mới thay thế Giao Chỉ do không tìm được nhiều dẫn chứng thoả đáng. Tuy nhiên nếu tạm chấp nhận thời Tần Giao Chỉ là Tượng Quận, tiếp theo Tượng Quận là Nhật Nam sẽ hoàn toàn hợp lý, ít nhất là với tư duy ngôn ngữ trong giới hạn kiến thức địa lý xưa kia. Thậm chí chúng ta có thể bỏ qua chữ Tượng để đi đến từ Nhật Nam, như sự thay thế từ Giao Chỉ.

Nhật Nam nghĩa là phía nam mặt trời. Sử ký viết: “Đất đai (nước Tần)… phía nam đến miền cửa nhà quay mặt về hướng bắc”. Cũng như từ Giao Chỉ, Nhật Nam ban đầu chỉ là khái niệm và có liên quan đến thiên văn. Phần lớn đất nước Trung Quốc ở trên Bắc Chí Tuyến (vĩ độ 23 độ 27 giây, ngang qua thành phố Quảng Châu), do đó mặt trời với họ luôn ở về phía nam, mọc phương đông nam và lặn phương tây nam. Rõ nhất trong ngày Đông Chí đêm dài ngày ngắn, mặt trời lẩn quẩn hẳn về phía nam. Vì vậy khi tế trời (cúng mặt trời) thiên tử phải quay mặt về phương nam. Có lẽ muộn nhất là thời Tần, người Trung Quốc đã biết trái đất hình tròn và tự quay quanh trục của nó. Họ tính được quĩ đạo mặt trời (hoàng đạo) và suy luận rằng đi về phía nam đến một nơi nào đó, muốn nhìn thấy mặt trời, muốn hưởng sự ấm áp của ánh nắng, con người phải làm nhà quay mặt về hướng bắc.

Tư Mã Thiên viết câu trên chứng tỏ ngành thiên văn biết vậy nhưng sự thực người Trung Quốc chưa bao giờ đặt chân đến vùng Nhật Nam. Theo đúng nghĩa thì Nhật Nam xa lắm, vượt qua xích đạo và Nam Chí Tuyến, ở tận các đảo phía nam Indonesia, Papua New Guinea và Úc Châu hôm nay.

3. Sự lẫn lộn giữa khái niệm và địa danh

Nhà Tần bỏ khái niệm Giao Chỉ và dùng từ Tượng Quận. Nhà Hán nối tiếp nhà Tần, và cũng như trường hợp nước Sở trước kia, Nam Việt của Triệu Đà đã chặn cương thổ vương quốc Hán ở phía nam 93 năm. Nam Việt bị diệt, sự lẫn lộn trong việc dùng từ Giao Chỉ vừa là địa danh, vừa là khái niệm bắt đầu diễn ra. Điều này thể hiện khi họ đặt tên khu vực mới chiếm được năm 111 TCN. Họ dùng khái niệm Giao Chỉ để gọi chung cho 9 quận mới. Giao Chỉ bộ là tên gọi theo khái niệm chứ không hề có ý nghĩa hành chính vì không có quan đứng đầu bộ. Trong ảnh hưởng của ngữ nghĩa cũ, họ bèn đặt tên khu vực đồng bằng sông Hồng là quận Giao Chỉ. Đây mới chính là địa danh, dù địa danh này mang tính khái niệm rất cao. Quận Giao Chỉ có quan trấn nhậm và là nơi liên giao phía nam nhà Hán với phương nam. Như vậy trải qua nhiều trăm năm bành trướng về phương nam của người Trung Quốc, khái niệm Giao Chỉ cũng dịch chuyển theo bước chân các đoàn quân đế quốc. Phải chăng đó là lý do để chữ Chỉ tồn tại thêm một dạng viết có bộ túc?

Rắc rối xuất hiện ở chỗ tại sao lại có Cửu Chân chen giữa Nhật Nam (khu vực mà người Hán chưa biết, chỉ đoán mò) và quận Giao Chỉ. Theo tôi Cửu Chân nghĩa là nơi ở của mặt Trời, đại khái là Xích Đạo vậy. Cửu là số chín, số chín tượng trưng cho Trời thì khỏi phải bàn cãi. Chữ Chân chắc chắn là gốc, giống như “quy chân” là trở về gốc. Chân cũng có thể mang nghĩa là Trọng, như từ Trọng Hạ (giữa mùa hạ) đã dẫn trong sách Thượng Thư ở trên. Dịch Cửu Chân qua tiếng Việt hiện đại thì ý nghĩa sẽ sáng tỏ không ngờ: Chân Trời!

Khái niệm Giao Chỉ, với chữ Giao đã đi song song cùng chữ Nam hàng ngàn năm, đến đây đã hoàn thành nhiệm vụ. Người Hán tưởng rằng họ đã đến được Xích Đạo (Cửu Chân), cũng chẳng sai nhiều vì từ ngày Xuân Phân đến Thu Phân, mặt trời gần như luôn ở trên đỉnh đầu cư dân vùng Thanh Hóa Việt Nam. Việc họ đoán bên kia chân trời (Cửu Chân) mặt trời chếch về phía bắc là hợp lý. Những người Trung Quốc đã đến Cửu Chân rừng thiêng nước độc xem ra khó có thể mang theo một chuyên gia thiên văn của triều đình (chỉ quen với thư phòng giữa kinh đô Hán). Dù sao ngữ nghĩa mới của từ Cửu Chân và Nhật Nam vẫn chỉ là khái niệm, thứ khái niệm sinh ra do ngành thiên văn học ngày càng chính xác hơn, thứ khái niệm cần phải có sau khi khái niệm Giao Chỉ đã hết tác dụng, đã biến thành địa danh.

Thiên văn học của người Trung Quốc thời đó cần thêm nhiều dữ kiện thực tế để xác tín lý thuyết. Mà muốn có thực tế thì phải đợi, và quả là họ đã đợi hàng trăm năm đến ngày Mã Viện nam chinh. Khoảng trống ấy đã vô tình làm tan loãng tất cả ý nghĩa thiên văn trong tên gọi Cửu Chân và Nhật Nam, để rồi Cửu Chân và Nhật Nam mãi mãi mất đi tính khái niệm và đường hoàng trở thành địa danh trên bản đồ đại Hán.

Cột đồng Mã Viện dựng năm 43 ở Giao Chỉ và Tây Đồ Di cũng chính là đài quan trắc thiên văn. Cựu Đường Thư (của Lưu Hủ hoàn thành khoảng năm 924 đến 946) viết về vấn đề này rõ nhất trong thiên Địa Lý chí thứ 4: “Mã Viện đi qua Nhật Nam, qua Lâm Ấp, đến biên giới Tượng Lâm và Tây Đồ Di dựng hai cột đồng ghi công tích toàn thịnh của nhà Hán. Có vài chục người không thể về Hán (!?) bèn lưu lại dưới chân trụ đồng, đến thời Tùy đã thành hơn 300 nhà. Người Nam Man gọi họ là Mã Lưu Nhân”.

Có hai khả năng: Một là Lưu Hủ thực sự không biết mục đích Mã Viện dựng cột đồng là để đo cao độ mặt trời, lập bảng thiên văn và tính khoảng cách từ Tượng Lâm về kinh đô Hán. Hai là Lưu Hủ biết nhưng tuân thủ triệt để nguyên tắc bảo mật các bí quyết khoa học của triều đình Trung Hoa, viết chỉ để cho người biết đọc. Trong công tác thiên văn thời Mã Viện, để xác định những vùng đất mới, cần phải tiến hành quan trắc các chỉ số năm này qua năm khác. Cột thiên văn chuẩn phải vừa tránh được thời tiết xâm hại , vừa bền vững nên chất liệu đồng đã được chọn. Muốn đo đầy đủ thì phải cử người ở lại làm việc này, ít nhất là hằng năm tập hợp số liệu đem về kinh đô. Cơ sự là thế! Con toán thiên văn nhỏ của tôi ở tiểu mục 1 là minh họa suốt bài viết này.

4. Hàng ngàn năm sa lầy của sử học Việt Nam và Trung Hoa

Thiết nghĩ không nên kể ra đây hàng lô hàng lốc những suy diễn của các sử gia Trung Hoa và Việt Nam về ý nghĩa sai lạc của các từ Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam từ thời Đông Hán đến hôm nay. Ai đó từng nói chân lý không bao giờ thuộc về đám đông ở trường hợp này rất đáng tham khảo. Tôi sẽ nêu nguyên nhân của tất cả các suy diễn ngây thơ ấy.

Sử Ký (hoàn thành khoảng thập kỷ 90, TK 1 TCN) không kể tên 9 quận phía nam nhà Hán mà Lộ Bác Đức lấy được năm 111 TCN, gồm Đạm Nhĩ, Chu Nhai, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Có thể Tư Mã Thiên chưa theo kịp các diễn biến thời sự. Chín cái tên ấy chỉ xuất hiện trong Hán Thư, một quyển sử ghi chép chuyện xảy ra từ năm 206 TCN đến năm 6 SCN của Ban Cố (sinh năm 32 – mất năm 92). Đến Hậu Hán Thư của Phạm Việp (398 – 455), chép sự việc từ năm 25 đến 190, thì bắt đầu có những suy diễn không căn cứ về địa danh Giao Chỉ.

Trung Quốc từ Ân – Thương vốn đã có chức quan Thái sử ghi chép các sự kiện diễn ra từ quá khứ đến hiện tại. Ta thấy thời của Tư Mã Thiên và Ban Cố, chức Thái sử vẫn kiêm thêm việc nghiên cứu thiên văn, lịch pháp. Chẳng hạn Tư Mã Thiên đã cùng Hồ Toại sửa lịch cũ thành Hán lịch. Sử Ký và Hán Thư luôn có những chương viết về thiên văn rành mạch và kê cứu rất nhiều hiện tượng thiên văn dọc năm tháng như Thiên Thạch (Tần Thủy Hoàng bản kỷ), điểm đen trên mặt trời (Ngũ hành chí, Hán Thư). Do đó việc các sử quan góp ý với vua cách đặt địa danh và khái niệm trên cơ sở hệ thống thiên văn học là hoàn toàn dễ hiểu. Họ chưa có tư liệu thực tế về Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thì đành vọng đoán bằng thiên văn.

Cũng từ Tư Mã Thiên và Ban Cố trở về sau thiên văn học Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng. Ví như Đổng Trọng Thư tra trong giáp cốt văn mà tính được ngày rằm tháng hai năm Võ Đinh thứ 29 có nguyệt thực. Con người hiện đại lần theo dương lịch thì đúng là ngày 23 tháng 11 năm 1311 TCN có nguyệt thực thật. Kỷ Tây Hán, các nhà thiên văn chuyên nghiệp Trung Quốc cũng đã tính được chu kỳ sao Hỏa là 584,4 ngày, so với phương pháp thiên văn vũ trụ hiện đại là 583,921 ngày, sai số nhỏ đến nỗi không thể tưởng tượng! Hồn Nghi, một dụng cụ quan trắc thiên văn khá chính xác đã được chế tạo vào thời Hán Vũ Đế, nó thể hiện đầy đủ thiên kinh tuyến, quỹ đạo mặt trời, và thiên xích đạo. Đến Trương Hoành (78 – 139), thiên văn cổ đại Trung Quốc đã lên đến đỉnh cao nhân loại. Họ Trương chế ra Hồn Thiên Nghi biểu diễn sự vận hành của thiên thể, có vòng hoàng đạo và thiên xích đạo tạo thành 1 góc 24 độ trong khi thực tế nó là 23 độ 27 giây (đây chính là số hiệu chỉnh vĩ độ Hà Nội trong bài toán thiên văn tôi đã đưa ra ở mục 1).

Do sự phức tạp và đồ sộ của những kiến thức thiên văn mới, Thái sử không còn đủ sức kiêm công việc quan trắc bầu trời nữa. Tôi đoán thiên văn đã tách ra thành một ngành riêng. Phạm Việp (398 – 455) tác giả Hậu Hán Thư có lẽ ít am hiểu thiên văn nên ông ta không rõ ngôn ngữ của các sử gia như Tư Mã Thiên, Ban Cố. Chính Phạm Việp đã mở ra phong trào suy diễn các khái niệm và địa danh để lớp lớp các nhà sử học Việt – Trung sau này “tận tín thư” đi theo. Trong Nam man truyện, Hậu Hán Thư, Phạm Việp viết: “Lễ ký xưng nam phương viết man điêu đề giao chỉ. Kỳ tục nam nữ đồng xuyên nhi dục, cố viết giao chỉ”. Tạm dịch: “Sách Lễ ký bảo người phương nam là man (di). Họ xăm trán, giao chân. Tục của họ là trai gái có thể tắm chung một khúc sông nên gọi là Giao Chỉ”. Cách giải thích của Phạm Việp vừa đầy suy diễn vừa cũ kỹ, ông ta chỉ biên tập lời Giả Quyên Chi ghi ở Hán Thư mà thôi: “Lạc Việt chi nhân phụ tử đồng xuyên chi dục (người Lạc Việt cha con thường tắm chung trên một khúc sông)”. Trong tinh thần Nho Giáo Trung Hoa, Phạm Việp chẳng hiểu làm sao mà cha con Lạc Việt có thể hòa đồng như vậy, ông ta bèn thay bằng trai gái cho dễ chấp nhận. Dù sao vi phạm luật “Nam nữ thụ thụ bất thân” còn nhẹ hơn xâm hại Ngũ Luân!

Nếu nói mọi người đều lầm hết sẽ rất tùy tiện. Thỉnh thoảng trong các sách ra đời sau Hậu Hán Thư vẫn thấy từ Giao Chỉ được dùng như một khái niệm, trong ngữ nghĩa khởi thủy của nó, dù thời điểm ấy Giao Chỉ hiển nhiên đã là địa danh cố định. Lịch Đạo Nguyên viết trong Thủy Kinh Chú (hoàn thành năm 515): “…thời hựu kiến Sóc Phương minh dĩ thủy khai bắc thùy toại tịch Giao Chỉ vu nam vị tử tôn cơ chỉ dã”, tức: “Vua (Hán Vũ Đế) vừa khai phá biên thùy Sóc Phương phía bắc, vừa mở Giao Chỉ phương nam làm nền móng cho con cháu”. Người đọc tinh ý sẽ thấy ngay cặp khái niệm bắc – nam song đối Sóc Phương và Giao Chỉ, nó không khác cặp Sóc Phương và Nam Giao đã dẫn trong Thượng Thư là mấy.

5. Kết luận

Nam Giao, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam là những tên gọi, địa danh và khái niệm của người Trung Quốc, chúng không thể mang âm Việt, nghĩa Việt được. Do đó trong bài viết này tôi bỏ qua mọi cách thức tìm kiếm nghĩa Việt, âm Việt như tôi đã từng làm với các từ như Âu Lạc, Lạc Việt .v.v..

Đa số sử gia Việt – Trung cả ngàn năm qua luôn máy móc gắn chặt từ Giao Chỉ như một địa danh tại đồng bằng sông Hồng. Họ bỏ sót tính thời đại của sách Thượng Thư và quên mất bài thơ “Nam quốc sơn hà”. Nhiều khi họ còn suy diễn Việt Thường quốc thuộc vùng trung bộ Việt Nam hôm nay. Bản thân sự khập khiễng và thiếu thống nhất trong các nghiên cứu thuần văn bản kia đã ít nhiều nói lên sai lầm trong phương pháp tiếp cận cổ thư.

Cuộc sa lầy về phương pháp ấy chưa chấm dứt. Việc xác định Giao Chỉ là gì, ở đâu dọc theo quá khứ còn liên quan mật thiết với cốt móng của sử học Việt Nam hiện đại. Đó là tiền đề bất di bất dịch và phi thực tế về “tính bản địa” của văn hóa Đại Việt và văn minh Việt Nam. Về lâu dài, vấn đề Giao Chỉ vẫn còn là một chiếc phao cứu hộ cho tiền đề kia. Hai sai lầm cơ bản chồng lên nhau, vô hình chung biến lịch sử Việt Nam thành thứ văn chương giàu hư cấu và đầy dẫy nhu cầu nhãn tiền. Nó sẽ phá nhiều hơn xây, trên hành trình tạo dựng nền tảng nhân văn mới cho con người Việt Nam ở thì tương lai.

Các bằng chứng văn hóa và di vật (như trống đồng, bảo vật quốc gia) dàn trải trên địa bàn rất rộng lớn, không thể đóng khung trong những biên giới hành chính hoặc chính trị một thời. Đấy chính là ý nghĩa của chữ Đại trong từ Đại Việt. Càng cố chứng minh tính bản địa khu biệt của văn minh Việt Nam, sẽ càng làm nghèo đi bản sắc Việt Nam và ở góc độ nào đó, gián tiếp “nhược tiểu hóa” dân tộc Việt Nam.

Đà Lạt tháng 12.2004

Thư tịch chính
Kinh Thư
Sử Ký Tư Mã Thiên
Chiến Quốc Sách
An Nam Chí Lược
Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc, NXB VH-TT, 1994
Văn minh Lạc Việt, Nguyễn Duy Hinh, NXB VH-TT, 2004
Hán tự sử dụng trong bài:
Nam Giao: 南 交
Giao Chỉ: 交 趾 - 交 阯 - 交 址
Cửu Chân: 九 真
Nhật Nam : 日 南
Chữ Chỉ bộ túc: 趾
Chữ Chỉ bộ phụ: 阯
Chữ Chỉ bộ thổ: 址

Cơ Chỉ: 基 阯 = 基 址
Cơ Sở: 基 礎
Chữ Sở (tên nước): 楚

End of Printable Version


NOT ALL THE CHINESE RULERS LEARN THE SAME THE LESSONS OF VIETNAM'S HISTORY. LET'S TEACH THEM ANOTHER ONE, A CHINA 911 STYLE!
Flag counter for this page only -- reset 06262011

Diễnđàn cổvũ sửađổi cáchviết ChữViệt2020 mới!
ziendan.net | vny2k.com | hocthuat.com | sangtac.com | Han-Viet.com
©2002-2023 vny2k.com