Ziendan TiengViet
TRANGNHÀ VNY2K
TRANGCHỦ   Ghidanh   Ðăngnhập   Danhsách thànhviên
Xem thưriêng   Banquảntrị   Tìmkiếm   Thắcmắc chung

Qui tắc quốc ngữ
:: Diễnđàn tiếngViệtVNY2K - Vietnamese2020Sửađổi cáchviết chữViệt
Tácgiả
Tiểumục bàiđăng trước | bàiđăng kế »
dchph

Ziendan.net

Hồsơ
Gianhập: Nov.15.2002
Nơicưtrú: Global Village
Trìnhtrạng: [hiệntại không cómặt trên diễnđàn]
IP: IP ghinhập
Qui tắc quốc ngữ

Ngườiviết: Nguyễn Phước-Ðáng

Qui tắc quốc ngữ


Sau khi ước định những ký hiệu cho chữ quốc ngữ, tức ấn định số chữ cái, ấn định số nguyên âm, bán nguyên âm đơn và kép, số phụ âm đơn và kép, chắc người sáng tạo đặt ra một số qui tắc làm chuẩn để chiếu theo đó mà thành tạo chữ, ghi âm tiếng nói Việt Nam. Tôi chưa từng đọc thấy đầy đủ các qui tắc đó, chỉ nghe nói đến vài qui tắc đặc biệt mà thôi, như:

" G ráp với e, ê, i thì phải có h chen vào giữa", và

" C đứng trước e, ê, i, y thì phải biến thành K ".

Ðó là những chỉ dạy của các thầy cô ở bậc tiểu học. Lớn lên không nghe ai nói thêm các qui tắc khác. Lẽ nào chữ quốc ngữ chỉ có 2 qui tắc đơn giản như vậy mà thôi (Cũng có thể những điều cần biết đầy đủ hơn chỉ dành cho những nhà chuyên môn, mà những người bước chân vào Ðại Học Văn Khoa mới được giảng dạy). Ðọc và viết chữ Việt, thỉnh thoảng tôi lại thắc mắc.

"Sao viết vầy mà đọc vậy ?"

"Sao viết thế nầy, mà không viết thế kia?"

Tôi đem những thắc mắc đó hỏi các thầy học cũ, hoặc thảo luận với bạn bè trong thời gian dạy học, trong những lúc rỗi rảnh viết lách đôi chút. Kết luận của chúng tôi là:

"Qui tắc thành tạo chữ viết quốc ngữ buộc phải tuân theo như vậy. Bỏ các qui tắc đó là không được, hoặc làm như vậy là muốn cải cách, cải tiến chữ quốc ngữ"

Trong bài viết nầy, tôi cố gom những gì tôi đã thắc mắc, và đã qui ra rằng đó là qui tắc phải tuân theo của chữ quốc ngữ. Có những qui tắc lý ra bỏ được, cải tiến được, nhưng hiện nay ta vẫn còn giữ vì thói quen, nếu ta sửa thì người khác trông thấy dạng chữ mới cho là kỳ cục.

Qui tắc 1.- G không bao giờ ráp kề cận với e, ê, i , hoặc với những vần ngược có e, ê, i , mà phải có h chen vào giữa.

Thí dụ: Không được viết ge, gê, gi, gét, gềnh, gim mà phải viết ghe ghê, ghi, ghét, gềnh, ghim.

Có qui tắc nầy là vì người sáng tạo ra chữ quốc ngữ vốn là người Pháp, chịu ảnh hưởng ngôn ngữ Pháp. Phụ âm g của Pháp ngữ đứng trước a, o, u đọc khác với g đứng trước e, ê, i . Người sáng tạo thêm h vào g trong Việt ngữ để người Pháp, và người chịu ảnh hưởng ngôn ngữ Pháp biết mà đọc gh giống như g trước a, o, u . Tôi không coi gh là một phụ âm kép, mà chỉ coi đó là biến thể của g mà thôi. (Tên ông Dale Carnergie, vần gie trong Anh ngữ đọc "ghi" chứ không đọc "ji" như ta thường đọc lúc ở VN, vì ta chịu ảnh hưởng ngôn ngữ Pháp)

Qui tắc 2 .- Do qui tắc 1 mà đẻ ra qui tắc 2 nầy: Ng không bao giờ đứng kề cận phía trước e, ê, i , và những vần ngược có e, ê, i , mà phải có h chen vào giữa.

Theo tôi, qui tắc nầy bỏ được, dù ta có chịu ảnh hưởng ngôn ngữ Pháp hay không, vì ta viết nge, ngi, ngiêm, ngẹn ... khi đọc lên không có cách nào phát âm khác với nghe, nghi, nghiêm, nghẹn được, dù ta vẫn còn chịu ảnh hưởng Pháp ngữ, nghĩa là nge, ngi, ngiêm, ngẹn ... không lộn với tiếng khác được. Tuy nhiên, bây giờ viết ngề ngiệp ta thấy dáng chữ kỳ kỳ, do vậy nhiều người không chấp nhận sửa. Dù vậy, theo tôi, nếu nhiều người chịu viết như vậy, dĩ nhiên báo chí, nhà xuất bản chịu in, thì dần dần ta sẽ quen mắt, và thấy việc cải cách đó đáng đồng tiền.

Qui tắc 3 .- C đứng trước e, ê, i y phải đổi thành k .

Nghĩa là trong quốc ngữ ngoài chuyện ghép với h để tạo thêm phụ âm kép kh , k (1) chỉ có nhiệm vụ duy nhứt thay c đứng trước e, ê, i y mà thôi. Qui tắc nầy có cũng vì chịu ảnh hưởng Pháp ngữ. (Hồi học lớp Tư, tôi viết "mây céo" bị thầy đọc là "mây xéo" và bị bạn bè trêu chọc suốt niên học)

Qui tắc 4.- Trong một chữ có hai chữ cái i đứng liền nhau thì bỏ bớt một.

Gần như không ai thấy chữ quốc ngữ nào có 2 chữ cái i đứng liền nhau. Ta không thấy vì người ta đã áp dụng qui tắc nầy rồi, nghĩa là người ta đã bỏ bớt 1 chữ i rồi, nên ta không còn thấy. Do vậy, cũng có thể nói qui tắc nầy có là để giải thích vài chữ viết-vầy-sao-đọc-vậy : Tháng Giêng , lý ra viết đủ là Giiêng ( Gi+iêng , đánh vần là Giơ-iêng . Nếu không có qui tắc đó thì làm sao đọc có vần iêng được trong chữ Giêng, Giơ-êng ) Chim Gi , là , giặt Gịa cũng y như vậy, chim Gii , là Giì , giặt Giịa . (Có người sợ lộn với chữ giạ - do đánh dấu không đúng vị trí - nên viết giặt gịa thành giặt giỵa . Theo tôi làm như vậy là không đúng, vì trong chữ Việt vần ya chỉ đứng liền với chữ u thôi, như đêm khuya ) Qui tắc 4 nầy có, là vì, thật đáng tiếc, người sáng tạo đã bỏ phụ âm j có sẵn trong mẫu tự la-tinh, rồi chế tạo thêm chi phụ âm kép gi thay thế, mới gây nên nhiều cớ sự. Nếu ta dám cải cách, dùng j thay gi thì bỏ được qui tắc nầy, hoặc ta cứ viết 2 chữ i liền nhau, cần gì phải bỏ bớt một. i trước là thành phần của phụ âm, i sau là nguyên âm. Hai nhiệm vụ khác nhau, sao ta bớt một, chỉ vì cho đẹp mắt, cho gọn(?)

Qui tắc 5.- Chữ vần ngược khởi đầu bằng bán nguyên âm thì i biến thành y .

Thí dụ: yên ổn, yết kiến, yểm trợ.

Theo tôi, không có qui tắc nầy cũng được. Cứ viết iên ổn, iết kiến, iểm trợ, khi đọc đâu có cách nào phát âm khác được.

Muốn tạo chữ có vần hoà âm, người ta dùng nguyên âm o hoặc nguyên âm u và vần xuôi có o hoặc vần xuôi có u để ráp với nguyên âm và với các vần ngược theo qui tắc sau đây:

Qui tắc 6.- Nguyên âm o chỉ ráp được với nguyên âm a hoặc e và với những vần ngược có a , ă hoặc e thôi.

Thí dụ: Tiếng khóc oa oa , nôn oẹ , hồn oan , chim oanh, oắt con, ( o+a, o+ẹ, o+an, o+anh, o+ắt )

Qui tắc 7.- Vần xuôi có o chỉ ráp được với nguyên âm a hoặc e và những vần ngược có a, ă hoặc e thôi.

Thí dụ: khoả thân, sức khoẻ , hoang vắng, thoăn thoắt , đục khoét ( kho+ả, kho+ẻ, ho+ang, tho+ăn, tho+ắt )

Qui tắc 8. - Nguyên âm u chỉ ráp được với nguyên âm ê hoặc y và với vần ngược có â hoặc ê , đặc biệt với vần ngược có nguyên âm i hoặc bán nguyên âm kép thì i phải đổi ra y .

Thí dụ: uể oải, uy nghi, uất ức, uỳnh uỵch , uyên bác ( u+ể, o+ải, u+ất, u+ỳnh, u+ỵch, u+yên )

Qui tắc 9.- Vần xuôi có u chỉ ráp được với nguyên âm ê hoặc y và với vần ngược có â , đặc biệt với vần ngược có nguyên âm i hoặc có bán nguyên âm kép thì i phải đổi ra y .

Thí dụ: Luân phiên, tuấn mã, huênh hoang, khuếch đại, huỳnh anh, đêm khuya, truyền thuyết , họ Nguyễn, luyện tập... ( Lu+ân, tu+ấn , hu+ênh, khu+ếch, hu+ỳnh, khu+ya, tru+yền, thu+yết, Ngu+yễn, lu+yện ).

Không biết tại sao người xưa đặt ra chi qui tắc đổi i ngắn thành y dài trong vần ngược có i ngắn hoặc có ie â để làm gì?

Thí dụ: Huỳnh huỵch , truyền thuyết , họ Nguyễn, luyện tập... Ta cứ viết huình huịch, truiền thuiết , họ nguiễn, luiện tập..., khi đọc lên đâu có cách nào phát âm khác được, mà ta còn tránh được các vần ngoại lệ ya, yu, ynh, ych, yt... vốn không có trong quốc ngữ.

Tôi sục sạo tìm kiếm trong chữ Việt có 9 qui tắc phải tuân theo để hình thành chữ viết, không kể 6 qui tắc đánh dấu giọng. Trong khi kê ra 9 qui tắc trên, tôi cũng đưa ra quan điểm của mình với gợi ý còn có thể cải cách, cải tiến chữ Việt. Chiều hướng cải tiến của tôi là ít qui tắc chừng nào tốt chừng nấy, ít ngoại lệ chừng nào tốt chừng nấy, đơn giản chừng nào tốt chừng nấy . Tôi muốn bỏ bớt y dài trong chữ Việt, chỉ giữ lại y dài trong những chữ có vần hoà âm để tránh lẫn lộn với các chữ có vần hợp âm, thí dụ: khuy (chữ có vần hoà âm) với khui (chữ có vần hợp âm). Chỉ giữ lại y dài trong những chữ có chữ đồng âm viết i ngắn mà khác nghĩa, như mỹ thuật với tỉ mỉ , ly nước với li ti ...

Thi sĩ Ðông Hồ có quán sách tên YIỄM YIỄM Thư Trang, có nhạc sĩ tên Hồ DZẾNH, có MC tên Việt DZŨNG. Theo tôi, những chữ YIỄM, DZẾNH, DZŨNG không phải là chữ Việt. Chữ YIỄM thật lạ, vì đọc lên nghe giống như DIỄM. Như vậy Y biến thành phụ âm, có công dụng như D . Thi sĩ Ðông Hồ từng là giáo sư Ðại Học Văn Khoa, hẳn ông hiểu tường tận chữ quốc ngữ, chắc ông muốn trở về nguồn, nhắc nhớ thuở sơ khai, chữ quốc ngữ ghi âm tiếng nói DIỄM bằng YIỄM chăng? Tuy nhiên, vì viết YIỄM không ổn, nên người ta đã cải tiến viết là DIỄM cho đúng qui tắc rồi.(*)

Phần đông đọc được chữ DZẾNH, chữ DZŨNG là do mình nếu không thông thạo thì cũng biết bập bẹ chữ Pháp hoặc chữ Anh. Người Việt chỉ học chữ Việt chắc không đọc ra 2 chữ nầy.

Trên đây là những suy nghiệm riêng tư của tôi. Mong quí vị thức giả hiểu biết chuyên môn về chữ Việt hãy bõ công chỉ giáo./-


Nguyễn Phước-Ðáng
San Jose, đầu năm 1999



--------------------------------------------------------------------------------
(1) Có người, phần lớn là những nhà ngôn ngữ học, coi k chỉ là một hình thức khác của c mà thôi. Tôi không đồng quan điểm đó.
(*) Bên cạnh 2 chữ Yiễm Yiễm, ông Ðông Hồ chú thích thêm: " Viết Yiễm Yiễm thư trang, đọc Diễm Diễm thư trang" . Ông Nguiễn Ngu Í giải thích: Ông Ðông Hồ "vì hưởng ứng các nhà cải cách quốc ngữ, lấy y (chữ " " quốc tế) thế cho d , để d (dơ) thành đ (ơ) như tiếng Anh, tiếng Pháp, cho gọn gàng việc viết, việc đánh máy" . (Sống Và Viết Với Ðông Hồ của Nguiễn Ngu ´)

[Tôi (NgPhÐáng) nghĩ: giải thích như vậy chắc không đúng, vì y không phải là " " quốc tế. Y ở đâu cũng là nguyên âm chớ không phải là phụ âm. Do vậy nó đâu thay thế phụ âm được.]

Nhiều người "quen tay viết chệch Yiễm Yiễm thành Yễm Yễm " (trong đó có cả nhà văn Lê Văn Siêu)


-----------------------------

Aug.13.2005 01:44 am
Ðềtài nầy đãcó 0 bàitrảlời kểtừ Aug.13.2005.
Xếp đềtài nầy vào mục cần theodõi  Email cho ngườiquen  In đềtài nầy ra giấy

Trảlời nhanh

NOT ALL THE CHINESE RULERS LEARN THE SAME THE LESSONS OF VIETNAM'S HISTORY. LET'S TEACH THEM ANOTHER ONE, A CHINA 911 STYLE!
Flag counter for this page only -- reset 06262011

Diễnđàn cổvũ sửađổi cáchviết ChữViệt2020 mới!
ziendan.net | vny2k.com | hocthuat.com | sangtac.com | Han-Viet.com
©2002-2023 vny2k.com